Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

2011

Con người thực ra cũng giống như loài thiêu thân. Mỗi người có một thứ ánh sáng của riêng mình và cứ cố sống cố chết lao về nó. Tiền, danh vọng, tình yêu hay bất kể cái gì, có thể không định nghĩa được. Sự đắm đuổi và điên cuồng từ trong bản năng.

Có những người biết rõ ánh sáng của mình nằm ở đâu, tất nhiên cũng có những luồng sáng khác phân tán sự chú ý, nhưng họ kiên định với một con đường duy nhất và sống với nó.

Những người khác thì loanh quanh hơn. Có thể từ bản năng có những tiếng gọi, nhưng không rõ ràng bằng, ánh sáng khi tỏ khi mờ. Thế là họ sẽ chờn vờn qua tất cả những hấp lực xung quanh.

Trừ một số rất ít người xuất chúng, đa phần chúng ta đều có quỹ thời gian như nhau, đời người chỉ kéo dài độ 70 năm, mỗi ngày 24 giờ, thanh xuân có hạn, nếu thời gian lao về một hướng nhiều hơn hẳn thì thời gian còn lại cho những thứ khác sẽ giảm đi. Đó là tất yếu không tránh được.

Người ta có xu hướng quan tâm những người lao mạnh theo một hướng nào đó, hoặc yêu thích, ngướng mộ hoặc phê phán, chối bỏ. Họ có khả năng nổi bật và thu hút sự chú ý của đám đông nhiều hơn đặc biệt với những hướng mà cộng đồng còn thiếu, còn hiếm.

Nhưng ai là người có quyền phán xét một người khác khi khả năng phân tích chỉ dừng lại ở 1 -2 mặt đời sống của họ. Đám đông càng không có quyền, đám đông chẳng qua chỉ là tập hợp của nhiều cái nhìn phiến diện cộng dồn lại với nhau.

Không ai có quyền phán xét.

Ở hướng ngược lại, bình thường cũng là một điều đáng trân trọng. Người ta quan tâm đến những điều khác biệt và lờ đi những điều bình thường tích cực. Nhưng trong sự hỗn mang, đôi khi rất nhiều điều bình thường, rất nhiều cuộc sống bình thường, số phận bình thường mới là ngưỡng cao nhất của sự phát triển lành mạnh.

Cuộc sống cần những điều khác biệt, từ những điều khác biệt nhỏ đến những điều khác biệt lớn, để có chọn lọc mà phát triển. Trên con đường ấy, điều quan trọng nhất chỉ là: hãy hạnh phúc với những gì mình có, dù nó, với người đời, là vinh quang, tăm tối hay tầm thường. Chỉ có cảm giác trong mình là quan trọng. Còn nếu không hài lòng về nó, thì phải nhấn nút thôi.

-------

Mỗi con người lại giống như một ngôi nhà. Người ta giao tiếp với nhau bằng cách đóng mở các cánh cửa.

Họ sẽ mở cánh cửa sổ, từng cánh một để ta được thấy phòng khách, gian bếp, rồi có thể, cả giường ngủ.

Họ sẽ mở cửa chính để mời ta vào nhà, để ngồi trong phòng khách, hoặc điềm nhiên bước qua từng căn phòng, và rất có thể, bước ra bằng cửa sau.

Họ sẽ mở rộng cửa, đón đầy nắng và gió, để ta có tầm nhìn thoáng đãng và không gian mát mẻ.

Họ sẽ để cửa hẹp để ta chỉ nhìn thấy một chút, để ta tò mò bước tiếp, hoặc ngần ngại mà bỏ qua.

Cũng có thể mỗi lần ta đi qua, họ mở một cánh cửa sổ khác nhau, ta nhìn phòng khách sạch sẽ mà chẳng biết bếp đang dơ bẩn, ta thấy khu vườn lãng mạn mà không hay phòng ngủ tối tăm.

Cũng có thể, mỗi lần ta đi qua, họ mở một cánh cửa sổ khác nhau đồng thời sắp đặt mỗi lần mỗi khác, khiến bức tranh ta tưởng tượng về họ đầy những mảnh ghép mâu thuẫn nhau.

Cũng có thể, với mỗi người, họ mở một cánh cửa duy nhất, chỉ bật đèn sáng tối, thi thoảng đặt vài bông hoa hoặc vài món trang trí khác nhau, và khi chúng ta ngại ngùng đứng bên nhau nói về họ, không ai trong chúng ta hiểu được điều gì to tát hơn thầy bói xem voi.

Đôi khi, họ kéo ta vào phòng bếp hoặc phòng ngủ, khép cửa nhẹ, khiến ta cảm thấy ấm áp, khiến ta nghĩ mình nằm trong số ít người được ngồi yên tại đó, nhưng tất nhiên ta chẳng phải là người hiếm hoi được ân huệ ấy. Một trò chơi tình cảm, không hơn.

Đôi khi, ta được vào ngôi nhà ấy rất nhiều lần, ta ngỡ rằng ta hiểu ngôi nhà ấy gần như tường tận, nhưng trong đó có những phòng đặt khóa và những hầm bí mật, và rủi thay, những phòng chưa đặt chân đến lại là những phòng giữ chìa khóa của căn nhà. Cách họ tống cổ ta ra và xử lý ta sau những thời gian ngọt ngào hay màu mè ban đầu... là ở đây.